Rối loạn cương dương bắt đầu ở độ tuổi nào, có chữa khỏi không?
SKĐS - Nhiều nam giới lo lắng về vấn đề rối loạn cương dương do những năm gần đây, tình trạng này đang có xu hướng trẻ hóa.
Rối loạn cương dương là tình trạng không có khả năng cương cứng hoặc duy trì sự cương cứng để đạt được hiệu suất tình dục thỏa mãn. Tình trạng rối loạn cương dương thường trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, có thể tiến triển từ bất lực nhẹ đến hoàn toàn nếu không xác định sớm nguyên nhân sớm và điều trị thích hợp.
ThS.BS Lê Quang Dương - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững cho biết, mọi người có thể ngạc nhiên về số lượng nam giới mắc chứng rối loạn cương dương, tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 50% nam giới trên 40 tuổi và thậm chí còn phổ biến hơn khi nam giới già đi.
Hầu hết nam giới đi khám đều lo lắng về chứng rối loạn cương dương đều mắc phải tình trạng khó khăn khi cương cứng hoặc cương cứng không đủ mạnh. ThS.BS Lê Quang Dương cho biết có ba câu hỏi dưới đây giúp nam giới xác định xem có bị rối loạn cương dương hay không:
- Có gặp khó khăn khi cương cứng khi mong muốn không?
- Sự cương cứng có kéo dài đủ lâu để đạt được hiệu suất thỏa đáng không?
- Sự cương cứng có quá yếu để thâm nhập không?
Nếu câu trả lời là có cho bất kỳ câu hỏi nào trong số này, nam giới nên trao đổi sớm với bác sĩ.
Theo ThS.BS Lê Quang Dương, câu hỏi mà các bác sĩ nhận được khi nói về chứng rối loạn cương dương là "nó có phổ biến không?". Trên thực tế, nam giới cảm thấy bị cô lập và đơn độc với vấn đề này vì phần lớn nam giới không nói về nó. Điều đó khiến rối loạn cương dương trở thành một lĩnh vực sức khỏe nam giới thường bị bỏ qua và phớt lờ, ngay cả khi nó gây ra căng thẳng về mặt cảm xúc đáng kể.
1. Nguyên nhân gây rối loạn cương dương
ThS.BS Lê Quang Dương cho biết thêm, mặc dù nhiều tình trạng bệnh lý có yếu tố di truyền nhưng rối loạn cương dương không tuân theo xu hướng đó. Sau đây là một số nguyên nhân chính:
Testosterone thấp: Đàn ông có testosterone thấp cũng có thể nhận thấy các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, trầm cảm, giảm ham muốn tình dục, thay đổi khối lượng cơ và thay đổi lông trên cơ thể.
Bệnh đái tháo đường: Điều này xảy ra khi cơ thể không thể xử lý đường một cách thích hợp. Bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây ra rối loạn cương dương.
Bệnh mạch máu ngoại biên: Bệnh này liên quan đến tình trạng hẹp mạch máu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây ra rối loạn cương dương.
Béo phì: Béo phì có thể gây rối loạn cương dương do làm giảm lưu lượng máu đến dương vật và gây mất cân bằng hormone. Ngoài ra, béo phì cũng liên quan đến các bệnh lý như đái tháo đường và bệnh tim mạch, là những yếu tố nguy cơ của rối loạn cương dương. Chế độ ăn uống lành mạnh và giảm cân sẽ giúp giảm nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cả rối loạn cương dương.
Căng thẳng tâm lý xã hội: Do mức độ lo lắng về rối loạn cương dương, rối loạn cương dương nhẹ và khó khăn không liên tục có thể dẫn đến rối loạn cương dương liên tục ở một số bệnh nhân. Giải quyết căng thẳng xung quanh rối loạn bằng cách gặp bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học để được giúp cải thiện chức năng.
Hút thuốc: Không hút thuốc hoặc ngừng hút thuốc có thể giúp giảm nguy cơ mắc nhiều tình trạng bệnh lý, bao gồm cả rối loạn cương dương.
"Có rất nhiều bệnh nhân bị béo phì, đái tháo đường và bệnh mạch máu có thể gây ra rối loạn cương dương một cách hữu cơ. Do đó, bệnh nhân bị rối loạn cương dương cũng nên được sàng lọc bệnh động mạch vành và các bệnh thông thường khác, bao gồm cả tình trạng testosterone thấp," ThS. BS Dương cho biết.
Theo ThS.BS Lê Quang Dương, trong nhiều trường hợp, giảm cân và tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện lưu lượng máu và rối loạn cương dương. Nam giới có thể thoát khỏi rối loạn cương dương liên quan đến béo phì hoặc căng thẳng. Tuy nhiên, rối loạn cương dương liên quan đến tổn thương thần kinh do bệnh đái tháo đường hoặc bệnh mạch máu thường khó có thể phục hồi hoàn toàn và thường có xu hướng tiến triển nặng hơn theo thời gian.